Skip to content

REVIEW SÁCH “LÀM RA LÀM, CHƠI RA CHƠI”

review sach lam ra lam choi ra choi

“Làm ra làm chơi ra chơi” là cuốn sách self-help đầu tiên của Cal NewPort mình đọc trọn vẹn nhất. Cũng vì thời gian ở nhà mùa này ngoài việc làm thì mình cũng muốn tìm nhiều hoạt động thư giãn khác nhau để đỡ cảm thấy khó chịu khi không ra ngoài. Thế là mình đặt ra mục tiêu là sẽ chỉ được mua sách mới khi đọc hết những cuốn sách đã mua để vừa tiết kiệm vừa có động lực. 
Nói một chút về lý do tại sao mình chọn đọc cuốn sách này thì thực ra đây là quà tặng trong giai đoạn mình cảm thấy chán nản vì mình đang phải làm nhiều việc từ việc công ty đến freelance, cả những dự án mình đang có hứng thú và mình còn phải đi học với một lịch trình dày đặc. Thế là bạn mình chọn cuốn này và tặng mình. Rồi đúng vào giai đoạn này mình đang cũng gặp khó khăn trong việc cân bằng công việc và những sở thích khác thế là mình lôi ra đọc. Và hôm nay mình sẽ review sơ về cuốn sách này và nếu bạn không có thời gian đọc sách này thì có thể lướt nhanh phần nội dung mình tóm tắt ở dưới hen.

VỀ CẤU TRÚC VÀ VĂN PHONG SÁCH

Sách chia thành 2 phần khá rõ ràng, văn phong đôi chỗ dịch hơi không tự nhiên lắm nhưng mà khá dễ hiểu. Nói chung trước đây mình đọc sách self-help mình không nuốt nổi nhưng với cuốn này thì mình đọc hiểu và cách viết đủ lôi cuốn để mình có thể đọc liên tục mà không hề bị mệt vì quá tải thuật ngữ. 

Phần 1: Ý tưởng
Ở phần này, tác giả đưa ra nhiều case study, nghiên cứu để chỉ ra việc “làm việc sâu” có ý nghĩa như thế nào đối với độc giả ngày nay. Và rồi theo thông lệ sẽ xuất hiện một nút thắt để cuốn sách này trở thành giải pháp mà bạn sẽ cần để khám phá tiếp đó. Đó chính là việc ngày nay chúng ta rất khó để rơi vào trạng thái “làm việc sâu” bởi vô số những tác nhân nào là mạng xã hội, email, các dạng thông báo tin nhắn phản hồi nhanh. 
Và sau khi đã được thuyết phục là “Làm việc sâu”  rất cần thiết và giá trị đối với mọi mặt trong cuộc sống của bạn thì chúng ta sẽ đến với phần 2. Làm thế nào để đạt được trạng thái này trong bối cảnh tưởng chừng như không thể ngày nay?

Phần 2: Các quy tắc
Có 4 quy tắc được tác giả đề xuất để chúng ta có thể có được cảm giác “Làm việc sâu” trong bối cảnh bận rộn ngày nay. Ở phần này có 1 ý tưởng mình khá ấn tượng đó chính là Cỗ máy Eudaimonia – được đặt tên từ khái niệm của Hy Lạp cổ đại. Mục tiêu của cỗ máy này là tạo ra một môi trường giúp bạn đi vào trạng thái hưng cảm – tạo ra công việc ở mức tối ưu nhất trong phạm vi khả năng cá nhân. Đó là một không gian dạng chữ nhật gồm 5 căn phòng xếp thành hàng nối tiếp nhau và không có hành lang. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về cỗ máy, bạn buộc phải đi qua mọi không gian một cách tuần tự và không thể bỏ qua bất kỳ căn phòng nào. Lúc đọc về Eudaimonia mình vừa đọc vừa tưởng tượng những không gian này trong đầu, mình đã có một cảm giác xung quanh biến mất hoàn toàn và một không gian hoành tráng đang bao lấy mình vậy.

ĐIỂM TIN CHÍNH

Cơ bản thì với thực tại phát triển số như ngày nay thì việc bạn bỏ đi đâu đó thật xa hay cách ly hoàn toàn với thế giới loài người thì khá khó khăn. Vậy nên “làm việc sâu” chỉ có thể triển khai một cách tương đối với mình là vậy. Các quy tắc sau sẽ giúp bạn cải thiện vấn đề làm việc sâu hơn. Lưu ý là đây chỉ là những công thức thôi nhé, còn tuỳ vào hoàn cảnh và cuộc sống mỗi người, bạn nên có những điều chỉnh phù hợp hơn nhe.

Quy tắc 1: “Làm việc sâu” với 4 triết lý

4 triết lý này theo mình hiểu thì giống như các cấp độ của quá trình lập kế hoạch làm việc vậy: hà khắc, phương thức đôi, nhịp nhàng hoặc nhà báo.
Ngoài ra, do khả năng làm việc sâu trong ngày của mỗi người đều có giới hạn nên việc bổ trợ thêm chiến lược nghỉ ngơi sẽ giúp tăng thêm hiệu quả công việc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc cung cấp thời gian nghỉ ngơi cho não bộ sẽ cho phép tư duy tiềm thức giải quyết những vấn đề phức tạp. Và một trong những hoạt động được khuyến khích đó là hoà mình vào thiên nhiên bằng cách đi bộ giúp cải thiện khả năng tập trung đáng kể. Nói chung là hãy cố gắng tìm điểm dừng hiệu quả khi làm việc sâu và nhất là khi đã kết thúc thì hãy cho nó sang kế hoạch công việc ngày mai. Một điểm mà mình thấy khá đúng đắn là để buổi tối có thể ngủ yên giấc hãy ngưng kiểm tra email hay liếc các trang có liên quan đến công việc. 

Quy tắc 2: Tận dụng sự buồn chán

Có 2 điểm nổi bật được đề cập trong phần này đó là hoạt động sa-bát internet (hay còn gọi là detox internet định kỳ) và suy ngẫm hiệu quả thông qua các hoạt động thể chất. Nói chung để cải thiện tốt quy tắc 1, bạn cần phải rèn luyện sự tập trung ở quy tắc số 2 và chỉ nên nghỉ ngơi sau khi tập trung chứ không phải là sau khi bị phân tâm như mình vẫn tưởng.

Quy tắc 3: Thoát khỏi truyền thông xã hội

Tác giả có đề cập đến 2 phương pháp lựa chọn công cụ mạng: (1) là lợi ích nào cũng được; (2) là phương pháp lao động chân tay. Nếu như số (1) thường dùng cho việc biện minh để bạn không thể từ bỏ các công cụ mạng thì số (2) sẽ đòi hỏi bạn suy nghĩ và lựa chọn điều quan trọng nhất vì khái niệm này xây dựng dựa trên bối cảnh chọn mua máy làm cỏ hay mua cỏ khô có sẵn của người nông dân.
Và điểm quan trọng thứ 2 chính là cách bạn sử dụng “ngày trong ngày” của mình như thế nào. “Ngày trong ngày” nghĩa là 16 tiếng còn lại khi bạn dẹp bỏ mối bận tâm về công việc. Tóm lại là tác giả khuyên chúng ta nên có kế hoạch để tập luyện não bộ trong thời gian này: đọc sách, học một điều gì đó,…Với bản thân mình thì so với hồi trước, hiện giờ mình luôn có 1 lịch trình sử dụng ngày còn lại của mình khá dày đặc như viết blog, đọc sách, học ngoại ngữ,… do thói quen bận rộn từ dạo đi học ở AIM buổi tối. Và mình không cảm thấy giảm hiệu suất vào ngày tiếp theo tẹo nào. Trái lại thì sang ngày hôm sau, tinh thần làm việc cũng lên hẳn.

Quy tắc 4: Loại bỏ sự hời hợt

Phần này thì cũng dựa trên nền tảng là phần trước, tác giả khuyên chúng ta nên lên kế hoạch từng phút. Nhưng không phải là để khắt khe đúng kế hoạch mà là để những sự xao lãng không có khả năng chen vào và giúp hình thành thói quen linh hoạt sắp xếp và tổ chức công việc hơn thôi. Phần này cũng khá là hay ở một số hướng dẫn thiết lập nguyên tắc email cũng như là cách để bạn tập cho những người muốn giao tiếp với bạn những thói quen “làm việc sâu” mà bạn đã hình thành.
Điều tâm đắc là nên kết giờ làm ở 5:30 chiều :))) Đây là điều mình đã từng sợ hãi khi bắt đầu ở môi trường ở agency nhưng mình nghĩ tất cả đều có cách giải quyết nếu điều đó thực sự quan trọng với mình. Và đến đây là hết rồi, thực sự cảm ơn rất nhiều vì đã tặng mình cuốn sách này và hy vọng người tặng sẽ có cơ hội đọc được những dòng này.

Harvie
Be Creartive