Skip to content

NGƯỜI LÀM CAMP (CAMP CHỊU)

“Em muốn chỉnh title là gì thì sẽ hài lòng để tiếp tục ở lại?”
Là một câu hỏi mình nhận được sau lần review mà mình cảm thấy còn khó hơn cả việc bị lật brief hay bị dí deadline trong ngày. Cơ bản nó khiến mình tự vấn bản thân thực sự đã có đủ kỹ năng để đề xuất vai trò mới chưa hơn là việc cần cập nhật title vì đã đủ hạn về mặt thời gian. Còn nhớ cái năm là junior, bản thân luôn tự ti vì xung quanh các anh chị quá giỏi đến nỗi từng có lúc muốn xăm cái dòng chữ “forever junior”. Thực ra ý nghĩa của dòng chữ đó để nhắc nhở mình lúc nào cũng mang tinh thần của người không biết gì, còn non và xanh để luôn có tư duy mở với mọi kiến thức. Nhưng mặt khác, mình cũng là một đứa bị áp lực đồng trang lứa nên hồi xưa mình đặt ra mục tiêu mốc thời gian để mình đạt được title senior phải là 3 năm rồi manager phải là 5 năm. (non quá cô ơi :D)

“Cư xử như một Senior trước khi được gọi là senior”
Là câu nói mà mình tâm đắc nhất từ idol Hoàng Nguyễn của mình. Và sau đây là 7749 kiếp nạn của một senior non trẻ và những bài học đắt giá mình học được sau ít năm làm nghề.

Trách nhiệm cao hơn & học cách trao quyền

Còn nhớ giai đoạn này năm ngoái, mình vẫn còn ôm từ lên kế hoạch đến thực thi chi tiết, không dám nhờ vả bất kỳ ai. Nỗi sợ lớn nhất của mình lúc đó là giao xong rồi cũng không yên tâm, cứ lo lo người ta làm không đúng ý mình. Thành ra quần quật một ngày làm việc lúc nào cơ thể cũng trong trạng thái quá tải, hay bực mình vì không có thêm thời gian để nghỉ ngơi hay học thêm cái gì khác. 

Rồi mình phải nắm thêm nhiều công việc hơn, mình bắt đầu học cách trao quyền lại cho các thành viên trong nhóm. Trao quyền và trao cả sự tin tưởng thực sự là điều khó khăn, thêm phần mình lại là đứa cầu toàn nên thời gian đầu việc tập luyện cái này là điều không dễ dàng. 

Trước khi trao lại toàn bộ SOW của công việc, mình luôn dành thời gian để list ra hết những nhiệm vụ nhỏ để hoàn thành công việc đó. Ở mỗi hành động, mình sẽ hướng dẫn cho team member của mình tìm kiếm thông tin như thế nào, chọn cách giải quyết cho vấn đề đó và đồng thời cũng chia sẻ những rủi ro có thể xảy ra. Sau đó tiện thể sẽ nói thêm cách xử lý theo kinh nghiệm của mình với các tình huống đó để bạn có thể xử lý nhanh gọn và giải toả được áp lực tâm lý khi lần đầu làm chuyện ấy.

Định hướng rõ ràng, feedback đóng góp

Sau khi list hết các nhiệm vụ thì bước tiếp theo của mình sẽ là đánh giá mức độ khó / dễ của công việc đó đối với teammate của mình. Mình sẽ ưu tiên giao việc dễ đến khó theo thứ tự cùng với đó là thời hạn tương ứng. Song song đó, mình cũng lên sẵn những pha xử lý sự cố dự trù đề phòng khi nhiệm vụ tới hạn mà vẫn chưa thể hoàn thành.

Điểm thứ 2 chính là việc đóng góp mang tính xây dựng. Với mình, ai cũng phải có lỗi sai, mình đánh giá công việc chứ không đánh giá con người. Khi đưa ra một ý kiến, mình luôn hỏi team thêm ý kiến này mọi người thấy sao? Mình luôn ghi nhớ việc khi đưa ra quan điểm phê bình đều phải xuất phát từ những lập luận có căn cứ và không được phản hồi chê bai cảm tính mà không đưa ra được hướng giải quyết. Sẽ rất khó để một người nào đó hiểu được những feedback chung chung như kiểu “nhìn xấu quá em”, “chị nghĩ không hiệu quả” xong dừng hẳn ở đó. Khi cho đồng đội rõ ràng về định hướng, họ sẽ hiểu họ cần làm gì tiếp theo và hạn chế được việc dự án rơi vào lối tắt.

May mắn được đào tạo bởi những anh chị có kinh nghiệm, năng lực và biết rõ mình muốn gì nên mình đỡ đi sai đường. Đi làm ai cũng mệt như nhau nên giảm được áp lực cho mọi người xung quanh cũng khiến môi trường làm việc thân thiện, thoải mái hơn.

Tập trung vào kết quả và giải pháp

Mình là một đứa solution-driven nên bất kể khi nào có vấn đề mình luôn tìm cách giải quyết trước thay vì đi tìm nguyên nhân do ai. Có hồi tìm giải pháp không ra là tức ngủ không được. Mình chưa có khái niệm từ chối những điều không đúng ý xảy đến nên là cứ gặp thì từ từ tìm cách giải quyết thôi, Tìm không ra thì sẽ đi hỏi các sư phụ tìm cách xử dùm. Xong dự án là mình quên luôn cũng chẳng buồn tìm lỗi của ai, do ai.

Chuẩn bị tinh thần thép trước mọi áp lực

Lúc đi làm con em mình hay nói sao chị gan quá, chị không sợ gì hết dù có nghe chửi chị cũng cười khà khà. Mình cũng không biết nên giải thích năng lực này như thế nào nhưng mà có lẽ nó được rèn luyện từ giai đoạn mình làm freelance. Khách chửi 1 – 2h sáng thì cũng phải nghe thôi, nghe xong thay vì giữ trong lòng để buồn thì mình sẽ nghĩ đến nếu là lần tiếp theo mình sẽ xử lý tình huống đó như thế nào hoặc mình học được gì từ việc đó để rút kinh nghiệm. 

Ngoài ra thì sẽ học cách thấu hiểu cho vị trí của người khác, mình sẽ luôn trong tâm thế họ có được nhiều thông tin hơn để đưa ra định hướng cho mình. Mình luôn sẽ bắt đầu bằng sự suy nghĩ cho phía bên kia vì sao họ có những lý lẽ này. Nhưng mình cũng tôn trọng cảm xúc của bản thân mình, mình cũng có buồn và áp lực, cũng từng nghĩ sai cho người đối diện và thường mình sẽ chọn cách kiếm chỗ nào đó xả vô. Nếu vấn đề đó khiến mình khó chịu quá mình sẽ chọn làm cái gì đó khác tạm để suy nghĩ thông rồi quay lại xử lý tiếp.

Cổ vũ team bằng cách ghi nhận từng thành quả / cột mốc

Cái này là điểm mình học được từ sếp cũ của mình, tuy dự án chỉ gắn bó với nhau 2 tháng. Luôn cổ vũ team và ghi nhận từng thành quả dù nhỏ dù lớn để tạo không khí cho các thành viên phấn đấu. Mình thấy nó hiệu quả thực sự vì có thời gian được cùng nhau củng cố lại mục tiêu chung đồng thời mỗi cá nhân sẽ luôn có cảm giác được là một phần của tổ chức. 

Thực sự câu trả lời lúc đó của mình là lên lương hay không với mình cũng không còn quan trọng nữa. Mình cũng không có dự định rời tổ chức để tìm kiếm một môi trường mới nào tiếp theo. Mình chỉ mong nhìn thấy mấy đứa em trong team sớm tích luỹ kinh nghiệm, để đến khi sự có hay không có mặt của mình thì mọi chuyện vẫn vận hành mượt đó là mục tiêu của mình ở đây.

Sau cùng, em xin gửi lời cảm ơn lớn nhất đến chị Bee, chị Steph, chị Bình, chị Phương và anh Linh là những thế hệ đã kiên nhẫn dìu dắt đứa em này từ khi mới vào nghề và luôn cho em động lực để phấn đấu mỗi ngày đi làm.

Harvie
Be Creartive