Mình rất ít khi học và đọc về các quy trình làm nội dung một cách hệ thống thay vào đó mình thử rất nhiều cách để luyện tập việc viết nội dung. Mình bắt đầu vị trí Junior Digital Campaign Executive và công việc chính lúc đó xoay quanh các mảng sau: phát triển nội dung cho Performance team, đánh giá hiệu quả của các assets và lập kế hoạch testing các asset để tìm ra phiên bản hoạt động tốt nhất. Từ một junior viết landing page (trang đích) bị sửa rất nhiều đến con đường dám nhận job freelance là hơn 2 năm mình trầy trật thử đủ mọi cách. Cùng mình tìm hiểu 4 cách giúp mình sống sót trong nghề con sen này nhe!
Học làm content bằng cách bắt chước
Không chỉ riêng việc viết lách, tất cả mình đều học bằng cách bắt chước trước tiên. Khi nhận được một yêu cầu về công việc nào đó, bước đầu tiên của mình là suy nghĩ xem có hình mẫu/ý tưởng nào đã có gần giống nhất với dự án mình đang làm không để học hỏi cách họ đã tiếp cận và giải quyết vấn đề. Ví dụ như mình phải viết nội dung cho Yoga có đối tượng mục tiêu là nữ (25 – 34 tuổi) thì mình sẽ đi xem các thương hiệu có cùng tập đối tượng với mình để xem cách họ truyền đạt nội dung như thế nào.
Đây là bài test đầu tiên của mình nè, lúc đó không hề có một tư duy gì về content. Chị leader còn bảo lúc đó có 2 đứa phỏng vấn, bài test đầu mình làm bị fail xong sau đó chị kiên nhẫn giải thích và cho mình cơ hội làm lại. Vào một hôm chị em tâm tình, chị Bee – leader của mình lúc đó đã kể là lúc phỏng vấn có linh cảm gì đó về mình và quyết định chọn mình thay vì bạn kia vì thấy mình có tiềm năng (dù lúc đó mình vẫn còn vướng lịch học và không thể làm toàn thời gian).
Lập dàn ý trước khi viết
Mình thường có thói quen lập ra các ý chính lớn sẽ viết, ngay cả việc viết caption. Ví dụ như mình sẽ viết quảng cáo cho lớp tập Yoga thì dàn ý của mình sẽ như sau:
- [Dẫn đề]: vì sao các chị em phụ nữ văn phòng nên thử sức với Yoga (ngắn gọn 1 dòng)
- [Lợi ích 1 – 2 -3 – 4]: mô tả ngắn gọn 10 – 12 chữ
- [CTA]: Đăng ký lớp Yoga 30 ngày chỉ với 400k tại California
Dàn ý sẽ giúp mình hệ thống được tư duy khi viết, tránh lan man dài dòng và đặc biệt hữu ích với những bạn không có năng khiếu viết như mình. Sau khi phân ra được dàn ý như trên, các bạn có thể lên google để tìm các bài viết, đọc xem cách họ viết để lấy ý tưởng cho bài viết của mình. Lúc này bạn có thể dùng phương pháp bắt chước ở trên mình có chia sẻ và chỉnh sửa lại một chút cách hành văn của các bài viết tham khảo, luyện tập cách này càng nhiều cũng sẽ giúp ích cho các bạn trong trường hợp cần viết dự án ngay cả khi không có hứng viết.
Nâng cấp kỹ năng viết với chơi chữ, đảo ngữ
2 kỹ năng trên sau khi đã bắt đầu thành thạo, mình bắt đầu nghĩ cách làm sao để nội dung của mình có màu một chút. Mình bắt đầu luyện tập tóm gọn ý bài viết để triển khai headline. Công đoạn tóm ý viết headline và chơi cùng các câu copy ngắn, mình cũng mất 1 năm để thử nghiệm đủ các thể loại. Câu copy đầu tiên mà bản thân cảm thấy tự hào chính là câu copy được in trên billboard chiến dịch quảng cáo phương thức thanh toán 2 tuần của California.
Đây là một câu copy chữa cháy cho agency, vì thời điểm lúc đó brief có sự thay đổi và toàn bộ team inhouse đã hỗ trợ để thay thế các câu copy. Câu copy này có rất nhiều phiên bản rang-tôm khác nhau và phiên bản mình đề xuất còn có thêm 1 câu sub nhỏ nhưng để cùng format với các asset còn lại nên đã được agency lược bỏ.
Opt 1: hương thơm ấn tượng = dáng đẹp khó cưỡng
Opt 2: Cuốn hút?
Hương thơm nhân tạo | Tự tạo bằng cơ
Opt 3: ẤN TƯỢNG
(nước hoa) (tập tạ)
thoảng qua trong tích tắc hay săn chắc bền thời gian
Đọc lại thấy vui ghê, viết nháp xong thấy xàm nhưng vẫn gửi cho leader coi rồi nhận ý kiến rồi chỉnh từ lại :)))
Lúc đó mình xây câu copy này bằng cách nhìn visual vì toàn bộ quá trình brief, xây dựng chiến dịch mình không được tham gia. Ở câu copy này, khi nhìn vào tổng thể mình có ý nói về việc tạo ấn tượng của phái mạnh sẽ có 2 cách: (1) là dùng mùi hương và (2) là gây ấn tượng bằng hình thể săn chắc. Và vì ý triển khai ở đây sẽ có cần đẩy phần thắng về việc gây ấn tượng bằng hình thể săn chắc để liên quan với dịch vụ đang bán nên mình chọn sử dụng các cặp từ đối lập trong 1 câu. Cụm từ “phảng phất” (cụm này được chị Bình – lead copy sửa lại cho mình) đối lập với săn chắc, cụm từ chỉ thời gian “tích tắc” đối lập với “săn chắc bền thời gian”.
Copy trên được viết vào thời điểm mình cũng đã vận dụng những cách chơi chữ học lỏm từ nhiều trang social vào cách viết ads. Năm đầu tiên làm content performance mình thường viết theo mô tuýp rất cơ bản như kiểu 05 lợi ích, 07 cách,….Sau đó một thời gian mình có đọc về xu hướng người dùng xem gì, coi gì thì mình học cách kết hợp giải trí vào các content performance như chơi chữ, chơi vần,… Nhưng trước khi chơi chắc được cái này thì quá trình viết của mình luôn làm để đảm bảo đúng ý trước và viết hay sau:
1 – Viết tóm gọn ý tưởng trong 1 câu duy nhất
2 – Câu tóm gọn có thể dài và nhiệm vụ là mình phải cắt giảm số chữ xuống nhất có thể. Mình thường cố gắng cắt xuống 8 – 10 chữ vì 3s là thời gian một người đọc câu có độ dài khoảng 8 chữ. (Nghiên cứu này mình đọc được ở đây đó mà quên mất nguồn ròi 🙁 )
3 – Sau khi cắt câu chữ xuống mà vẫn đảm bảo đủ ý rồi thì mình sẽ nghĩ đến cách làm cho câu này hay hơn bằng cách tạo ra 2 – 3 version. Công đoạn này vừa giúp mình xả stress vừa còn giúp mình mở rộng vốn từ. Ví dụ: opt 2 mình muốn chơi chữ kiểu đồng âm thì mình sẽ xem trong câu copy vừa viết có từ nào đồng âm mà thay vào sắp xếp lại hay ho hơn không.
Một trang website mình hay vào để tìm các âm tiết cũng như nghĩ ra các từ dùng với âm tiết hay ho nè: https://luom.tv/2015/11/01/danh-sach-am-tiet-tieng-viet-xep-theo-van/
4 – Tìm hướng triển khai khác như thay vì đặt câu khẳng định thì thử câu phủ định, câu hỏi, câu cảm thán xem có gây tò mò hơn không.
Quy trình làm copy hay lên nội dung cũng phức tạp ra phết, chỉ là cứ làm làm làm theo quán tính nên khi ngồi nhìn lại xem các hệ thống tư duy khi viết mới thấy hết cái sự hay ho của việc làm chữ. Vì vậy nên ai mà nói làm chữ dễ mà, viết đại đại cái ra hà là mình cảm thấy họ không tôn trọng người viết chút nào.
Phối hợp giữa chữ và hình
Hồi trước có một thách thức lớn với mình khi làm content performance (mô tả công việc ngắn gọn là: viết ads để chạy ra lead) chính là chữ trên banners chỉ được chiếm 20% diện tích banner. Caption thì headline và 3 dòng đầu hiển thị trên điện thoại phải cực kỳ gây tò mò. Đó là lúc mình học cách phối hợp các assets lại với nhau.
Kết hợp câu chữ trên cùng 1 banners: Một nguyên tắc mà mình luôn cố gắng thực hiện hay luyện tập đó là đừng viết lại những gì người đọc đã thấy hoặc đã đoán được khi nhìn hình. Thay vào đó hãy lợi dụng các thông điệp hình đã truyền tải kết hợp với 1 câu copy gợi mở vấn đề hoặc câu copy dẫn đề và hình là câu trả lời,…
Kết hợp chữ, hình trong 1 adset: mình sẽ lấy ví dụ kinh nghiệm của mình khi làm ad cho dễ hình dung nha. Mình suy nghĩ TA khi lướt đọc tin trên facebook sẽ là lướt thật nhanh đọc banner, xong thấy tò mò đọc caption rồi họ nhấp vào link liên kết. Lúc đó, mình sẽ thử viết copy trên banner là một câu hỏi kiểu thật là nhói lòng người đọc để họ phải đi tìm hướng giải quyết ở caption. Caption mình viết headline kiểu “3 bước không thể bỏ lỡ nếu bạn muốn bla bla bla”….
Công nhận khi nhìn lại mình mới thấy nhờ có việc bén duyên với nghề viết khiến mình gò lại khuôn suy nghĩ khá nhiều. Những tư duy viết lách này mình cũng sử dụng vào các công việc lập kế hoạch, cải tiến công việc. Từng là một đứa siêu ghét cái title content nhưng bây giờ mình lại yêu nghề và thầm cảm ơn 02 năm trầy da tróc vảy ở California sản xuất hàng trăm adset đã dạy cho mình nhiều điều hay ho. Cảm ơn bạn đã đọc được tới giây phút này, dù cho những chia sẻ của mình không theo hệ thống chuẩn chút nào (vì nó quá nhiều) nhưng mình hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trên con đường làm con sen này.
Harvie
Be Creartive