Skip to content

5 LOẠI CONTENT BIẾT RỒI NHƯNG ĐỌC THỬ XEM CÓ GÌ HAY KHÔNG?

Vẫn tiếp tục chuyên mục “Cần-ten cần-tun” trong số trước, mình đã quay trở lại rồi đây sau khi thấy em bé trong team vật vã khi viết nội dung. Sẽ có rất nhiều cách phân loại content khác nhau và trong bài viết này mình sẽ chia sẻ kiểu phân loại dựa vào xuất xứ “Content này ở đâu ra vậy?”

1. Original content - nội dung chính chủ, tận nguồn

Hay còn gọi là nội dung nguyên thuỷ chưa ai tạo ra và đây cũng là dạng content khá đắt giá trên thị trường. Để viết ra được những dạng nội dung này, bạn cần phải sáng tạo dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân. Những bài viết gốc thường sẽ được các công cụ tìm kiếm như Google ưu ái và được sắp xếp ở thứ hạng cao trên trang tìm kiếm.

Một trong những chủ thớt có nội dung original xịn xò mà mình hay xem là anh Hoàng Nguyễn. Mình khá là thích cách anh sắp xếp nội dung logic, cô đọng và rất súc tích, kể cả có những dạng nội dung thật sự khó nuốt với mình nhưng khi đọc bài của anh thì mình lại có cảm giác rất dễ dàng để nắm ý. 

(Link: https://www.facebook.com/hoang.nguyen.332)

Tất nhiên, dạng nội dung này tốt nhưng nếu bạn không có sẵn khiếu viết thì sẽ tốn kha khá thời gian để triển khai. Vậy nên hãy tham khảo các loại nội dung khác sau đây.

2. Curated content - nội dung thu thập, tổng hợp

Đa số khi bạn tham gia vào các cộng đồng/nhóm trên facebook thì sẽ bắt gặp dạng nội dung này ví dụ như “Tổng hợp các nguồn tham khảo Content Marketing”,…Đây là dạng nội dung được tổng hợp, chọn lọc về cùng một chủ đề, một lĩnh vực để tạo ra các bài viết có giá trị hơn, giúp người đọc có thể dễ dàng nắm bắt thông tin tổng quát.

(Group: Tâm sự con sen)

Và tất nhiên khi bạn dùng chất xám của người khác làm nền thì sẽ cần phải lưu ý về vấn đề bản quyền và nếu như bạn vừa tổng hợp vừa có sự đóng góp góc nhìn thì cũng là một điểm cộng nha.

3. User generated content - nội dung do người dùng tự tạo

Dạng nội dung này làm mình nhớ tới case của Durex bắt trend đom đóm năm nào hay là gần đây nhất chiến dịch của Loship sử dụng tất cả các nội dung review của người dùng làm banner treo ở các cửa hàng (mình cực kỳ thích cách sáng tạo này). Khởi nguồn của user generated content (UGC) chắc phải nói đến chiến dịch của Coke | Share a Coke khi mà họ in tên của người dùng lên chai Coke và người dùng đã khoe ngay hình ảnh của sản phẩm với tên của họ trên khắp các phương tiện truyền thông.

(Ảnh: Fandom Durex)
(Ảnh: Brandsvietnam)

Với cá nhân mình, bất kể các brand nào khiến cho người dùng chủ động sáng tạo nội dung cho thương hiệu đều đã biết cách chiếm sương sương trái tim của người dùng. Mình nghĩ vẫn có cách để một thương hiệu săn được UGC chủ động thông qua việc tạo ra các thử thách và tặng quà, tạo ưu đãi cho các feedback từ khách hàng hoặc như cách Loship đã từng làm đó là tạo cảm giác tự hào cho người dùng khi một câu review vu vơ của họ được xuất hiện trên đường phố (một chiếc cảm giác quá đã của mấy copywriter khi mà chữ của mình được ịn lên billboard).

04. Syndicated content - nội dung xuất hiện nhờ trên trang của bên thứ 3

Nhắc tới dạng nội dung này phải nói đến chiến dịch relationship của Momo và Gojek. Đây là dạng nội dung được mang sang để thêm ở nhà hàng xóm để tiếp cận thêm các tập đối tượng công chúng mục tiêu, tăng tần suất xuất hiện, tăng traffic dẫn về website,…
Tất nhiên là khi đem nội dung qua xứ người đặt thì bạn sẽ cần phải điều chỉnh đôi chỗ để phù hợp với nơi bạn sẽ đăng. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp dạng nội dung này ở các chiến dịch co-marketing (giữa 2 doanh nghiệp), social syndication (lên brandsvietnam sẽ thấy lâu lâu có mấy bài brand tag brand khác), press releasing, influencer marketing,…v.v

(Ảnh: Advertising Vietnam)

05. Employee generated content - nội dung do đội ngũ nhân viên tạo ra

2 chiếc brand hay dùng loại content này nhất mà mình thấy là Grab và Baemin (nội dung đến từ đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp ngoài nhân viên content). Thường dạng nội dung này sẽ có khả năng xây dựng lòng tin cho người dùng, ứng viên,…và nếu khai thác khéo léo sẽ có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách quảng cáo.

Mình thấy khá giống với user generated content chỉ khác ở chỗ thương hiệu phải làm gì đó để khiến nhân viên đủ thấy tự hào, khiến họ muốn sáng tạo nội dung, truyền tải các ý tưởng độc đáo để lan tỏa thương hiệu rộng hơn. Và tất nhiên, đây cũng là một con dao hai lưỡi nên doanh nghiệp muốn tận dụng EGC cần phải đảm bảo minh bạch, uy tín và phấn đấu trở thành một môi trường làm việc lý tưởng thực sự.

(Ảnh: Advertising Vietnam)

Có nhiều cách để triển khai content ha, hãy thử triển khai linh hoạt để xem hiệu quả như thế nào nhé. Cảm ơn mọi người đã và đang đọc tới đây, hy vọng sắp tới mình kiếm được gì hay ho mình sẽ tổng hợp và chia sẻ thêm.

Harvie
Be Creartive