Skip to content

3 THÓI QUEN SÁNG TẠO ĐỂ QUẢNG CÁO HIỆU QUẢ HƠN

sang-tao-va-thoi-quen

Sáng tạo vốn là một khía cạnh bản thân mình thấy chưa được đánh giá cao hoặc được đầu tư chính đáng trong hầu hết các doanh nghiệp và nguyên nhân chính yếu ở đây chính là khó đo lường và cảm quan của mỗi người là khác nhau, số ít thẩm mỹ chưa đủ đại diện cho đại đa số tập khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới. Nhưng gần đây có một nghiên cứu từ NCSolutions và Nielsen cho thấy sự sáng tạo tác động đến 47% doanh số bán hàng. Và một nghiên cứu khác từ Celtra cho thấy 85% người trưởng thành ở Hoa Kỳ có nhiều khả năng tin tưởng một thương hiệu có quảng cáo được chỉn chu về mặt sáng tạo hơn.

Nếu như bạn nghĩ bạn không hẳn là một người sáng tạo thì đây là những chia sẻ mình muốn dành cho bạn. Bản thân mình từng có lúc sợ làm sáng tạo, mình luôn có một suy nghĩ là những thứ mình nghĩ ra đều có người khác làm rồi. Chính vì suy nghĩ này khiến cho việc viết một đoạn caption chỉ 3 dòng mà mình từng mất nửa ngày chỉ để chỉnh sửa cho đến khi bản thân thấy nó đủ hay ho để nộp bài. Nhưng đó là mình của lúc mới vào nghề, khi mà cái sự sáng tạo ở bên trong vẫn còn nguyên sơ và trải nghiệm nạp vào chưa đủ. Mình nhận ra sau vài năm ít ỏi làm nghề, cái gì không có hoặc dở thì cứ suy nghĩ về nó thật nhiều, luyện tập về nó thật nhiều rồi sẽ có được điều đó chút ít bên trong. Đây là 3 thói quen mình vẫn duy trì trong suốt 3 năm qua:

Bắt đầu thử sáng tạo từ những điều đặc biệt:

Với rất nhiều quảng cáo chạy ở rất nhiều nơi, rất khó để thương hiệu được chú ý và ghi nhớ. Điều giúp cho bạn nổi bật chính là lồng ghép yếu tố đặc biệt: một âm thanh bất ngờ, một hình ảnh mới mẻ, một giải pháp cho những vấn đề mà khách hàng chưa kịp nhận ra nó tồn tại với một thông điệp tinh gọn, rõ ràng khiến họ thích thú và dừng lại ở quảng cáo của bạn. 
Làm sao cài cắm được những yếu tố này vào quảng cáo của bạn? Bản thân bạn chắc chắn sẽ phải là người luôn tìm kiếm sự mới mẻ, thu nạp càng nhiều chất liệu sáng tạo khác nhau và luôn tìm kiếm sự liên kết giữa những điều tưởng chừng như không thể.

Hiểu rõ về những yếu tố cảm xúc

Cảm xúc vẫn luôn là một yếu tố mà theo mình đó sẽ là điều đầu tiên khiến một người xem quảng cáo ghi nhớ về thương hiệu. Quảng cáo hiệu quả khơi gợi một số loại cảm xúc từ người tiêu dùng và kết nối cảm xúc đó trở lại với thương hiệu hoặc sản phẩm. Ví dụ: quảng cáo ngày lễ thường đi theo các concept về niềm vui hoặc nỗi nhớ mà mọi người cảm thấy vào thời điểm đó. 

Hiểu rõ về các dạng cảm xúc và tìm hiểu về tâm lý chính là cách để bạn truyền tải cảm xúc này vào các quảng cáo. Mình highly recommend cuốn sách từ Rio Book “Hình ảnh điều khiển tâm trí” – khai thác động lực thuyết phục ẩn sau những hình ảnh của các chiến dịch truyền thông. Dựa trên khía cạnh tâm lý học xã hội, cuốn sách sẽ lý giải điều gì tạo nên những hình ảnh truyền tải thông điệp khiến khách hàng cảm nhận, tin tưởng và mua sắm dựa trên 30 kỹ thuật tâm lý ứng dụng trong truyền thông thị giác. Đây cũng là cuốn sách thay đổi mình trong tư duy làm nghề nhiều hơn, học cách đưa yếu tố cảm xúc vào tất cả những gì mình muốn truyền tải.

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp sâu

Mình nhận ra một điều marketer nếu không làm mảng nghiên cứu sẽ có rất ít cơ hội hoặc hầu như không được trò chuyện với khách hàng. Đa phần, chúng mình đều sẽ dừng lại ở bước quan sát xem cách khách hàng cảm nhận và phản hồi về thương hiệu như thế nào. Sau đó, tự nghĩ ra hàng tỉ câu hỏi vì sao và tự lý giải trong đầu, thỉnh thoảng hỏi vài người quen xung quanh xem có đúng không. Mình chợt nhớ đến trải nghiệm cách đây 2 năm lúc làm cho một công ty gạch men và được giao bài tập đi nghiên cứu thị trường, bọn mình cảm thấy lúng túng thực sự khi giao tiếp với người lạ để khảo sát về thương hiệu với các câu hỏi đã sắp xếp sẵn. Mình nhận thấy mình không thể dẫn dắt câu chuyện một cách hoàn toàn tự nhiên để tránh việc hỏi những câu hỏi đóng và cuộc trò chuyện đi đến sự kết thúc với những câu trả lời sơ sài hoặc không hẳn là thứ người dùng vẫn nghĩ.

Vài năm gần đây, mình cũng chịu khó đi nói chuyện sâu với nhiều người hơn và giữ một thói quen không để cho cuộc trò chuyện ngưng lại bằng cách chủ động tìm những vấn đề chung để khơi mở, rồi từ điểm đó suy nghĩ cách để dẫn về vấn đề mình thực sự muốn khai thác. Đây là cách giúp mình sẽ có những cuộc trò chuyện tự nhiên hơn với khách hàng tuy hiện giờ nó vẫn còn khá bản năng. 

Kỳ vọng về thành quả sáng tạo càng cao sẽ càng tạo áp lực khiến bạn không dám thử hay làm điều gì đó. Giờ đây, mình cũng có đặt kỳ vọng nhưng mình sẽ ưu tiên hơn cho suy nghĩ miễn điều đó giúp thương hiệu giải quyết được vấn đề. Bạn có tips nào để luyện tập khả năng sáng tạo, chia sẻ thêm cho mình với nhé!

Harvie
Be Creartive

1 thought on “3 THÓI QUEN SÁNG TẠO ĐỂ QUẢNG CÁO HIỆU QUẢ HƠN”

Comments are closed.