Skip to content

TỦ SÁCH TÂM LÝ POP-PSY CỦA CHOI

Dạo gần đây cuộc sống của mình có đôi chút thay đổi, mình vẫn đi tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề tâm lý mà mình đã trải qua: thích một mình, thích vùi đầu vào công việc, né tránh chuyện tình cảm và hàng đống thứ khác chưa rõ hình hài. Một trong những thói quen mà mình sẽ làm mỗi khi rơi vào tình trạng này là mình sẽ dành thời gian nuông chiều bản thân hơn, thích gì thì sẽ làm ngay và may mắn thay mình gặp Choi Kwang Hyun trong một chiều thứ bảy đầu tháng 11. Hôm ấy dạo nhà sách chẳng vì chủ đích gì và cũng chẳng định hình trong đầu những tựa sách sẽ mua, lượn lờ một hồi thì mình bắt gặp bìa sách “Hai mặt của gia đình”, một chủ đề vẫn luôn nằm ở trong đầu mình với hàng đống câu hỏi thắc mắc nhưng hiếm khi mình nghiêm túc đối mặt với nó.

Đọc lướt qua tác giả và phần mục lục được phân chia rõ ràng cộng với font chữ thân thiện và rồi câu chuyện 1 – 2 – 3 bắt đầu len lỏi vào tâm trí mình, tái hiện lại một số ký ức tuổi thơ, mình đã không ngần ngại chọn mang cả bộ sách về nhà.

Về Choi KwangHyun

Ông được biết đến là nhà tâm lý học hàng đầu tại Hàn Quốc. Ông là trưởng khoa tham vấn gia đình cho rất nhiều vấn đề tâm lý, nỗi đau mà chúng ta phải chịu từ chính gia đình. Sau khi tốt nghiệp chương trình cao học của Đại học Yonsei, ông sang Đức làm trị liệu gia đình. Chứng kiến nỗi đau của các thành viên tại cả gia đình châu Á lẫn châu Âu cùng với khao khát lan toả các thuyết tâm lý học gia đình đến nhiều nơi trên thế giới, ông đã đúc kết lại theo một hướng tiếp cận đại chúng hơn.

Về cuốn Hai mặt của gia đình

Điểm cộng về văn phong viết: khác với vài cuốn sách tâm lý trước đây mình đọc thì văn phong của Choi khá đại chúng, không quá hàn lâm. Mỗi chương đều ngắn gọn, súc tích mở đầu với vài mẩu chuyện tóm gọn be bé đề cập đến vài tính huống kinh điển trong đời sống gia đình. Tiếp đến là những lí giải sâu xa vì sao nhân vật đó lại có các hành vi như vậy, xuất phát từ tâm lý gì. Sau cùng sẽ có những chỉ dẫn đơn giản để chúng ta giải quyết tình huống trên. Theo mình thì không hoàn toàn là một sự áp đặt từ phía tác giả, phần này như mục gợi mở về suy nghĩ thêm cho người đọc và vì vậy khi đọc cuốn sách này mình có cảm giác nhẹ nhàng, trung lập hơn trong việc đánh giá vấn đề.

Chính vì flow kể chuyện trên mình cũng nghĩ đây là một điểm cộng để phần lý lẽ của tác giả có sức thuyết phục cao hơn. Ông ấy tái hiện những câu chuyện mà đâu đó bạn sẽ thấy bản thân mình trong đoạn hội thoại đó và những băn khoăn được gọi tên cụ thể.

Một điều lấn cấn duy nhất, mình cũng có sự đồng tình với một số bạn rì-viu-ơ khác đó là phần mục lục khá rõ ràng nhưng phần cấu trúc khi đọc sâu thì có vẻ hơi lê thê một xíu. Mình cũng hiểu được việc tác giả đang gom nhặt rất nhiều câu chuyện, góc nhìn và cốt lõi chỉ là vài vấn đề xoay quanh những ảnh hưởng của tiềm thức tuổi thơ lên cách chúng ta phát triển khi trưởng thành nên đó có thể là lý do vài bạn review sách có nội dung lặp đi lặp lại.

Đôi lời chia sẻ cá nhân

Mình luôn nghĩ mỗi gia đình đều có những góc khuất khác nhau, gia đình mình cũng không ngoại lệ, cũng có những vết sẹo chẳng thể lành trên mỗi thành viên. Sau tất cả, mình nhận ra rằng chính những điều ấy đã đâu đó là nguồn sức mạnh để mình cố gắng nhiều hơn khi gặp những chuyện không suôn sẻ trong cuộc sống. Cuốn sách này đáng đọc để bạn nhận ra vấn đề gia đình cũng giống như hàng mua một tặng một mà ở đó chúng ta chịu ảnh hưởng của cả tuổi thơ của bố mẹ, vợ/chồng và nhiều cá thể khác chồng lấn phức tạp lên nhau. Việc hiểu xuất phát điểm của nhau sẽ khiến cho bạn có được sự bao dung, cái nhìn thấu cảm với đối phương để từ đó chúng ta sẽ không còn đau lòng với những biến cố hay cố chấp và có cái nhìn không tốt về người khác.

Dành cho những bạn không có thời gian đọc, mình sẽ có những chia sẻ tóm gọn về cuốn sách ở phần tiếp theo. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn không có nhiều thời gian đọc hết cuốn sách. Cảm ơn và hẹn gặp lại.

Harvie
Be Creartive